Trường trung học phổ thông Uông Bí

Phone : +84 (03) 33.851.432

Hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT QG năm 2018
Chia sẻ :
File đính kèm : (29.03.18)-huong-dan-thuc-hien-QC-thi-THPTQG-2018.docx ( 2448.2 KB )
Đọc ngay : (29.03.18)-huong-dan-thuc-hien-QC-thi-THPTQG-2018.docx

UBND TỈNH QUẢNG NINH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 665/SGDĐT-KTKĐCLGD

V/v hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018

 

Quảng Ninh, ngày 29 tháng 3 năm 2018

 

Kính gửi:

 

 

- Các trường Phổ thông có cấp Trung học phổ thông;

- Các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông.

 

       

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 (gọi tắt là Kỳ thi) được tổ chức theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Quy chế thi). Để triển khai tốt nghiệp vụ thi, tiến hành công tác tổ chức Kỳ thi đảm bảo an toàn, thuận lợi và đúng quy chế, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các trường Phổ thông có cấp THPT, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (sau đây gọi chung là các đơn vị) một số nội dung về thực hiện Quy chế thi như sau:

1.Phổ biến Quy chế thi và các văn bản liên quan

Các đơn vị nghiên cứu Quy chế thi, Công văn 991/BGDĐT-QLCL ngày 15/03/2018 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, các văn bản liên quan (Sở gửi các văn bản này kèm theo); kịp thời tổ chức học tập và phổ biến Quy chế thi tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 của đơn vị, trong đó cần nhấn mạnh các nội dung về công tác đăng ký dự thi và xét công nhận tốt nghiệp, quy trình và nghiệp vụ làm thi (tại các Phụ lục II, IV, V, VII - Công văn 991/BGDĐT-QLCL). Việc học tập Quy chế thi phải được tiến hành nhiều lần, đảm bảo cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nắm vững các nội dung liên quan đến từng đối tượng để thực hiện.

1.1.Một số điểm bổ sung, sửa đổi trong Quy chế thi cần lưu ý

(1)- Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi năm trước do xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12 không cần Giấy xác nhận của  UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật như quy định của năm 2017. Tuy nhiên, trên phiếu đăng ký dự thi phải có xác nhận về nhân thân của Công an xã/phường nơi cư trú.

(2)- Thí sinh tự do không phải nộp Giấy khai sinh trong Hồ sơ đăng ký dự thi.

(3)- Bổ sung nội dung điểm b khoản 3 Điều 13: Thí sinh tự do đã tốt nghiệp trung cấp, chưa có bằng tốt nghiệp THPT và không có học bạ THPT hoặc học bạ GDTX cấp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, xét tuyển vào cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

(4)- Chấm thi bài thi tự luận: Bài thi được chấm theo thang điểm 10, tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

(5)- Sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý vi phạm tại khoản 6 Điều 49: “Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo” được thay bằng quy định “Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”.

(6)- Bổ sung quy định liên quan đến kinh phí cho cán bộ về coi thi tại địa phương tại khoản 2 Điều 53: “Kinh phí cho cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng[1] được Bộ GDĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi do địa phương chi trả theo quy định hiện hành”.

1.2.Một số lưu ý trong công tác tổ chức thi

1.2.1.Phương thức tổ chức thi

Toàn tỉnh tổ chức 01 cụm thi với các Điểm thi đặt tại trường phổ thông[2] và các cơ sở giáo dục khác đáp ứng được các yêu cầu tổ chức thi, đảm bảo thuận tiện cho thí sinh và công tác tổ chức của Kỳ thi. Ngay khi hoàn thành khâu đăng ký dự thi (ĐKDT), căn cứ số lượng thí sinh ĐKDT tại cụm và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thành lập các Điểm thi.

Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ theo sự phân công của Bộ GDĐT trong công tác chỉ đạo và tổ chức thi tại tỉnh; cán bộ trường ĐH, CĐ phối hợp tham gia trực tiếp vào các khâu coi thi (với thành phần là lãnh đạo, giám sát và cán bộ coi thi; mỗi phòng thi có 01 CBCT do Sở GDĐT điều động và 01 CBCT của trường ĐH, CĐ phối hợp) và khâu chấm thi;

Kỳ thi tổ chức 05 bài thi, gồm 03 bài thi độc lập (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hoá học, Sinh học; viết tắt là KHTN) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT; viết tắt là KHXH).

Bài thi Ngữ văn thi tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Toán, Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp có 40 câu hỏi.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được ĐKDT cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Khi thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2017-2018 ĐKDT bài thi tổ hợp nào thì phải thi tất cả các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đó. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để xét tuyển vào đại học, xét tuyển vào cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường mà thí sinh đăng ký xét tuyển.

1.2.2.Quy định về thời gian trong các buổi thi

Lịch thi cụ thể trong Công văn 991/BGDĐT-QLCL, các quy định về thời gian cần lưu ý:

- Thời gian thi từ ngày 24/6/2018 đến ngày 27/6/2018;

- Thời gian làm bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Toán: 90 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút; môn thi thành phần của bài thi tổ hợp: 50 phút;

- Giờ phát đề thi thống nhất: buổi sáng: 07 giờ 30 phút; buổi chiều: 14 giờ 20 phút. Thời gian phát đề thi môn Ngữ văn và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp là 5 phút; thời gian phát đề thi môn Toán và Ngoại ngữ là 10 phút. Đối với các môn thi thành phần (không phải là môn thi thứ 3 trong bài thi tổ hợp), sau khi hết giờ làm bài có 5 phút để thu đề thi, giấy nháp và 5 phút để phát đề thi môn thi thành phần tiếp theo và giấy nháp mới.

1.2.3.Một số điều chỉnh trong hướng dẫn thực hiện Quy chế thi năm 2018

Việc thực hiện nghiệp vụ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT phải thực hiện theo đúng Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GDĐT tại các Phụ lục kèm theo Công văn 991/BGDĐT-QLCL. Một số nội dung bổ sung, điều chỉnh so với năm 2017 cần lưu ý:

  1. Đăng ký và xác nhận điểm bảo lưu để xét CNTN

- Thí sinh được bảo lưu điểm thi của bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, KHTN, KHXH và bảo lưu điểm thi của từng môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 để xét CNTN THPT năm 2018 nếu bài thi, môn thi đạt từ 5,0 điểm (theo thang điểm 10) trở lên, riêng với bài thi tổ hợp phải thêm điều kiện: các môn thi thành phần trong bài thi đều lớn hơn 1,0 điểm (theo thang điểm 10).

- Điểm bảo lưu do Sở GDĐT địa phương nơi thí sinh đã dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 xác nhận.

  1. Đề thi dự phòng: Mỗi môn thi ở Điểm thi đều có đề thi dự phòng cho ít nhất 02 phòng thi với số lượng tối đa (đối với đề thi trắc nghiệm có đủ tất cả các mã đề cho mỗi phòng thi).
  2. Đóng gói Phiếu TLTN: Hội đồng thi đóng gói, niêm phong các túi Phiếu TLTN đến từng phòng thi với số lượng đủ cho số thí sinh trong phòng thi. Túi đựng Phiếu TLTN được giữ nguyên niêm phong đến khi phát cho thí sinh tại phòng thi. Túi Phiếu TLTN dự phòng cho mỗi Điểm thi, mỗi buổi thi cũng được đóng gói, niêm phong.
  3. Thống nhất quy định thứ tự phát đề thi trắc nghiệm bằng sơ đồ sau:

 

 

 

  1. Coi thi bài thi tổ hợp: Trong suốt thời gian thi bài thi tổ hợp, CBCT phải giám sát chặt chẽ, không để thí sinh ghi chép các nội dung hoặc để lại các dấu hiệu liên quan đến bài thi, đề thi ra các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… nào khác ngoài bài thi, giấy nháp (có chữ ký của CBCT); phải kịp thời thu giữ các giấy tờ, tài liệu, vật dụng… này nếu phát hiện vi phạm.
  2. Thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi: Ngay sau khi phát đề cho thí sinh, CBCT yêu cầu thí sinh kiểm tra tình trạng đề thi: nếu thấy đề thi bị thiếu trang hoặc rách, nhòe, mờ, phải lập tức báo cho CBCT để kịp thời xử lý; nếu không phát hiện hoặc để quá sau khi phát đề 10 phút đối với bài thi Toán, Ngoại ngữ, 05 phút đối với bài thi Ngữ văn và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp mới báo cáo thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm. Tất cả những trường hợp phát sinh về đề thi, CBCT phải báo cáo cho Trưởng Điểm thi để báo cáo Trưởng Ban Coi thi ngay sau khi phát hiện (qua cán bộ giám sát thi)
  3. Niêm phong, bàn giao túi bài thi: Khi bàn giao bài thi cho Trưởng Điểm thi, CBCT phải cùng thư ký kiểm đếm bài thi, niêm phong túi bài thi (trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của 2 CBCT, thư ký và Phó Trưởng Điểm thi là người của trường ĐH, CĐ phối hợp) rồi đóng dấu niêm phong túi bài thi theo quy định.
  4. Bảo quản bài thi tại Điểm thi: Bài thi phải được bảo quản tại phòng cách biệt với các hoạt động khác. Phòng bảo quản bài thi phải đảm bảo an ninh, an toàn, có đầy đủ phương tiện phòng chống cháy, nổ. Thùng đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, có khóa, niêm phong và phải được cán bộ công an giám sát 24 giờ/ngày. Nếu có sự cố bất thường phải giữ nguyên hiện trường, lập biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi để xử lý kịp thời.

1.2.4.Một số lưu ý đối với CBCT và thí sinh

  1. Đối với thí sinh

- Học sinh tham gia Kì thi THPT quốc gia làm Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân (gọi chung là Chứng minh nhân dân) trước khi nộp Phiếu ĐKDT;

- Đăng ký số điện thoại, email, quản lý tài khoản truy cập hệ thống quản lý thi;

- Nắm rõ nguyên tắc điền thông tin đăng ký dự thi, xét tuyển (bao gồm thông tin cá nhân; thông tin về chế độ ưu tiên, khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp, ưu tiên trong tuyển sinh căn cứ vào quy chế và các minh chứng hợp lệ,…);

- Các mốc thời gian phải lưu ý khi đăng ký dự thi và xét công nhận tốt nghiệp:

+ Đăng ký dự thi, sửa chữa các sai sót: từ ngày 01/4/2018 đến ngày 20/4/2018;

+ Đăng ký xét công nhận tốt nghiệp: trước ngày 25/5;

+ Điều chỉnh lần cuối thông tin cá nhân: chiều ngày 24/6.

- Nghiên cứu kỹ Điều 14 - Trách nhiệm của thí sinh trong Quy chế thi, lưu ý các vật dụng được mang vào phòng thi: được mang Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn Địa lí; không được mang bảng tính tan, bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học; thí sinh mang điện thoại vào phòng thi bị đình chỉ thi…

- Mỗi thí sinh được cấp 01 Giấy chứng nhận kết quả thi.

  1. Đối với CBCT

            Thực hiện theo quy định tại Chương V - Quy chế thi, Phụ lục IV - Công văn Công văn 991/BGDĐT-QLCL, trong đó cần chú ý:

- Kiểm soát khi gọi thí sinh vào phòng thi (so sánh ảnh trong bảng ảnh phòng thi với thí sinh và ảnh trong giấy Chứng minh nhân dân; lưu ý các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi);

            - Coi thi bài thi tổ hợp: Chú ý hiệu lệnh để thực hiện đúng việc thu đề thi, giấy nháp của các môn thành phần và phát đề thi môn tiếp theo; thứ tự phát đề trong phòng thi; các lưu ý khi coi thi tại các điểm thi có thí sinh tự do và thí sinh GDTX; việc xử lý các thắc mắc của thí sinh liên quan đến đề thi; xử lý đề thi, giấy nháp đã thu;

- Phát hiện và xử lý các trường hợp bất thường của thí sinh theo quy chế;

- Quán triệt thí sinh rà soát đề thi, mã đề thi ngay sau khi nhận đề thi và điền thông tin vào Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); lưu ý thí sinh khi thi các môn thi thành phần của một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề ; quy trình thu bài của thí sinh.

- Thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài môn thi thành phần, không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi Sinh học và Giáo dục công dân của bài thi tổ hợp; không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với các bài thi độc lập.

2.Tổ chức đăng ký dự thi THPT quốc gia

2.1.Đơn vị tiếp nhận đăng ký dự thi

Sở GDĐT quy định mỗi trường THPT, cơ sở GDTX là một nơi tiếp nhận đăng ký dự thi (gọi là Đơn vị ĐKDT/Điểm ĐKDT), được gán mã số 001, 002, … 074; các Đơn vị ĐKDT này thu nhận hồ sơ của thí sinh học lớp 12 thuộc đơn vị mình. Đối với thí sinh tự do, Sở GDĐT giao nhiệm vụ cho 15 trường THPT thuộc 14 địa phương trong tỉnh chịu trách nhiệm thu hồ sơ của đối tượng này. Danh sách 74 Đơn vị ĐKDT, trong đó có 15 Đơn vị ĐKDT được thu hồ sơ thí sinh tự do tại Phụ lục 3.

            Ngoài ra, Sở GDĐT cũng là một Đơn vị ĐKDT (mã số 000; địa điểm thu hồ sơ: Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thuờng xuyên, Sở GDĐT), chỉ thu nhận hồ sơ của thí sinh tự do đăng ký thi chỉ để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC nhóm ngành đào tạo giáo viên.  

2.2.Trách nhiệm của Đơn vị ĐKDT

Các Đơn vị ĐKDT nghiên cứu Quy chế thi và văn bản hướng dẫn về thi THPT quốc gia năm 2018, đặc biệt là Điều 13, Phụ lục II - Công văn 991/BGDĐT-QLCL để tổ chức và triển khai việc đăng ký dự thi cho thí sinh đảm bảo an toàn, thuận tiện, đúng quy định, đúng thời hạn.

Khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm trước trong công tác rà soát dữ liệu ĐKDT, thủ trưởng các đơn vị nơi thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

  1. Hướng dẫn thí sinh điền vào Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH; CĐ, TC (gọi tắt là Phiếu ĐKDT). Lưu ý, thông tin về chế độ ưu tiên, khuyến khích trong xét công nhận tốt nghiệp, ưu tiên trong tuyển sinh, đối tượng miễn thi,… phải căn cứ vào quy chế và các minh chứng hợp lệ.
  2. Thu hồ sơ ĐKDT (tuyệt đối không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ).
  3. Nhập thông tin thí sinh vào phần mềm quản lý thi THPT quốc gia (PMQLT) đảm bảo chính xác, đúng quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo hướng dẫn.
  4. Quản lý hồ sơ ĐKDT và chuyển hồ sơ, dữ liệu ĐKDT cho Sở GDĐT. Kiểm tra, rà soát thông tin ĐKDT trên Phiếu ĐKDT, trên PMQLT khớp với hồ sơ ĐKDT của thí sinh.
  5. Kiểm tra chéo thông tin ĐKDT giữa các đơn vị ĐKDT.
  6. Nhận Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp, hồ sơ kèm theo và nhập dữ liệu của thí sinh vào PMQLT. Kiểm tra thông tin trong hồ sơ và dữ liệu đã nhập.

2.3.Thời hạn triển khai các công việc của Đơn vị ĐKDT

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

  1.  
  • Hướng dẫn việc ĐKDT cho thí sinh

Trước 05/4/2018

  1.  
  • Thu Phiếu ĐKDT
  • Nhập dữ liệu của thí sinh vào PMQLT
  • Sửa chữa các sai sót ĐKDT

Từ 01/4 đến 17 giờ 00 ngày 20/4/2018

  1.  
  • In danh sách thí sinh ĐKDT theo thứ tự a, b, c, … của tên học sinh, lớp, trường
  • Kiểm tra, rà soát thông tin ĐKDT
  • Thí sinh ký xác nhận thông tin ĐKDT trên danh sách
  • Kiểm tra chéo thông tin ĐKDT giữa các đơn vị ĐKDT

Từ 21/4 đến 24/4/2018

  1.  
  • Duyệt thông tin ĐKDT trên PMQLT

Chậm nhất ngày 25/4/2018

  1.  
  • Nhận Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp và hồ sơ kèm theo.
  • Rà soát Phiếu đăng ký xét CNTN
  • Nhập dữ liệu của thí sinh vào PMQLT

Trước 25/5/2018

  1.  
  • Duyệt thông tin xét tốt nghiệp trên PMQLT

Chậm nhất ngày 30/5/2018

  1.  
  • Thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi

Trước 03/6/2018

  1.  
  • Hoàn thành việc in và trả Giấy báo dự thi cho thí sinh

Trước ngày 07/6/2018

  1.  
  • Thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo
  • Cập nhật thí sinh phúc khảo vào PMQLT

Từ 11/7 đến 20/7/2018

2.4.Tổ chức kiểm tra chéo hồ sơ ĐKDT

            Các đơn vị ĐKDT thực hiện việc kiểm tra chéo theo hướng dẫn tại Phụ lục 1, lưu ý phương án đảm bảo an toàn cho các hồ sơ được kiểm tra; gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Sở theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 trước ngày 30/4/2018 qua địa chỉ phongktkd.soquangninh@moet.edu.vn.

            Kiểm tra chéo hồ sơ ĐKDT là nội dung quan trọng trong công tác tổ chức ĐKDT, nhằm hạn chế tối đa sai sót trong khâu lập hồ sơ ĐKDT, chuẩn hoá dữ liệu ĐKDT và nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TC. Sở GDĐT yêu cầu thủ trưởng các Đơn vị ĐKDT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung này.

3.Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi

Các đơn vị có thí sinh tham dự Kỳ thi nghiên cứu Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, tuyển sinh trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh) và các văn bản hướng dẫn liên quan để chủ động thực hiện nhiệm vụ tổ chức kỳ thi theo chức trách của mình. Trong đó lưu ý thực hiện một số nội dung sau:

3.1.Xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi

Căn cứ lịch công tác kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 (Phụ lục I - Công văn 991/BGDĐT-QLCL) và các mốc thời gian ở mục 2.3 chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể để thực hiện các khâu của Kỳ thi đảm bảo đúng hướng dẫn, hợp lí, khoa học và hoàn thành đúng hạn.

3.2.Giới thiệu cán bộ, giáo viên tham gia Kỳ thi

Trước ngày 25/4/2018, các trường có cấp THPT, các cơ sở GDTX gửi danh sách toàn thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình (nhập vào biểu mẫu kèm theo Công văn) bằng thư điện tử qua Email: phongktkd.soquangninh@moet.edu.vn để Sở GDĐT lựa chọn, điều động vào các Ban của Hội đồng thi (riêng cán bộ chấm thi phải là người đang trực tiếp giảng dạy đúng môn được phân công). Cán bộ-giáo viên-nhân viên được đề xuất làm các nhiệm vụ cụ thể trong kỳ thi, cán bộ-giáo viên không thể tham gia kỳ thi với lý do đặc biệt hoặc có người thân (là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) dự thi cần nêu rõ trong cột ghi chú.

Nhận được văn bản này, Sở GDĐT yêu cầu các các đơn vị triển khai thực hiện. Trong qua trình triển khai nếu có vướng mắc, liên hệ kịp thời với Sở GDĐT (qua Phòng KT-KĐCLGD, ĐT: 0203 3822 754) để được hướng dẫn cụ thể./.

 

Nơi nhận:

- Như kính gửi;

- Lãnh đạo Sở;

- Công đoàn ngành;

- Công an tỉnh Quảng Ninh;

- Các phòng, ban, thanh tra, VP;

- Cổng TTĐT;

- Lưu: KT&KĐCLGD, VT.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

 

Nguyễn Văn Tuế

 

 

 

 

--------------------------------------------------------------------------------------------

Lượt xem: 1170   Trang trước    Lên đầu trang   

Tin cùng chuyên mục :

Tin tức khác :